TRƯỜNG THCS TT CÁT BÀ
BỘ PHẬN THƯ VIỆN

|
|
BÀI TUYÊN TRUYỀN
Luật Tố tụng hành chính – Bài 2
Những nội dung cần chú ý của Luật Tố tụng hành chính
1. Về bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử: Luật tố tụng hành chính năm 2015 bổ sung các quy định để cụ thể hoá nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm theo khoản 5 Điều 103 Hiến pháp năm 2013, như:
- Quy định nguyên tắc về bảo đảm tranh tụng trong xét xử (Điều 18):
"1. Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của Luật này.
2. Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thu thập, giao nộp, cung cấp tài liệu, chứng cứ kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án hành chính và có nghĩa vụ thông báo cho nhau các tài liệu, chứng cứ đã giao nộp; trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng để bảo vệ yêu cầu, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác theo quy định của Luật này.
3. Trong quá trình xét xử, mọi tài liệu, chứng cứ phải được xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện, công khai, trừ trường hợp không được công khai theo quy định của Luật này. Tòa án điều hành việc tranh tụng, hỏi những vấn đề chưa rõ và căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra bản án, quyết định".
- Bổ sung quyền, nghĩa vụ của đương sự trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ; quy định trách nhiệm của Toà án trong việc hỗ trợ đương sự thu thập tài liệu, chứng cứ, tạo điều kiện thuận lợi cho đương sự thực hiện quyền tranh tụng:
+ Các đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án và chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp;
+ Có quyền đề nghị Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của vụ án mà tự mình không thể thực hiện được;
+ Đề nghị Tòa án buộc bên đương sự khác xuất trình tài liệu, chứng cứ mà họ đang lưu giữ, quản lý;
+ Đề nghị Tòa án ra quyết định buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý chứng cứ cung cấp chứng cứ...;
+ Tòa án có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ và tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án hoặc đương sự;
+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ và đúng thời hạn tài liệu, chứng cứ mà mình đang lưu giữ, quản lý cho đương sự, Tòa án, Viện kiểm sát khi có yêu cầu và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ đó;
Trường hợp không cung cấp được thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho đương sự, Tòa án, Viện kiểm sát biết...
- Bổ sung quy định về quyền tiếp cận, trao đổi tài liệu, chứng cứ của đương sự (Điều 98):
"1. Đương sự có quyền được biết, ghi chép, sao chụp, trao đổi tài liệu, chứng cứ do đương sự khác giao nộp cho Tòa án hoặc do Tòa án thu thập được, trừ tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 96 của Luật này.
2. Khi đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án thì trong thời hạn 05 ngày làm việc họ phải thông báo cho đương sự khác biết về việc họ đã giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án để đương sự khác liên hệ với Tòa án thực hiện quyền tiếp cận tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án thu thập được tài liệu, chứng cứ thì Tòa án phải thông báo cho đương sự biết để họ thực hiện quyền tiếp cận tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 1 Điều này".
- Quy định về tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại, trừ vụ án theo thủ tục rút gọn và vụ án khiếu kiện về danh sách cử tri. Việc tổ chức phiên họp này tạo điều kiện cho các đương sự tiếp cận tài liệu, chứng cứ của nhau và yêu cầu, phạm vi khởi kiện, yêu cầu độc lập, việc bổ sung tài liệu, chứng cứ, đề nghị Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ, triệu tập đương sự khác, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa...
- Quy định về thủ tục hỏi, trình bày chứng cứ, tranh luận tại phiên toà sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm theo hướng công khai, minh bạch, dân chủ để vừa bảo đảm thực hiện đúng, đủ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm tố tụng của Toà án, người tham gia tố tụng theo đúng nguyên tắc tranh tụng, vừa bảo đảm phán quyết của Toà án khách quan, chính xác, đúng pháp luật trên cơ sở xem xét đầy đủ chứng cứ và kết quả tranh tụng...
2. Về bảo đảm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự: Luật tố tụng hành chính năm 2015 bổ sung quy định: Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý để họ thực hiện quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước Tòa án; không ai được hạn chế quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng hành chính (Điều 19).
3. Những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân: Ngoài việc kế thừa các quy định của Luật tố tụng hành chính năm 2010 về những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án và để bảo đảm tính khả thi, Luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Toà án nhân dân và quyết định xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án nhân dân không thuộc đối tượng khởi kiện vụ án hành chính. Luật còn bổ sung đối tượng khởi kiện vụ án hành chính là danh sách cử tri trưng cầu ý dân để bảo đảm phù hợp với Luật trưng cầu ý dân năm 2015.
4. Về thẩm quyền của từng cấp Toà án: Ngoài việc sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền của từng cấp Toà án; phân định thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm và phương thức xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm để phù hợp với các quy định của Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 2014 và bảo đảm hiệu quả của việc giải quyết khiếu kiện hành chính, Luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định đối với khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện thì việc giải quyết theo thủ tục sơ thẩm thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp tỉnh (khoản 4 Điều 32). Việc quy định giao cho Toà án nhân dân cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện nhằm khắc phục tồn tại, bất cập từ thực tiễn nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong công tác giải quyết các khiếu kiện hành chính theo tinh thần cải cách tư pháp, nhanh chóng lập lại trật tự trong quản lý hành chính nhà nước, kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
5. Về người tiến hành tố tụng hành chính: Luật tố tụng hành chính năm 2015 bổ sung hai chủ thể mới là người tiến hành tố tụng gồm Thẩm tra viên, Kiểm sát viên và quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm tra viên, Kiểm tra viên trong tố tụng hành chính. Việc bổ sung hai chủ thể mới này để bảo đảm phù hợp với Luật tổ chức Tòa án nhân dân và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014.
6. Về thời gian giao nộp tài liệu, chứng cứ; xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ: Luật tố tụng hành chính năm 2015 bổ sung quy định về thời gian giao nộp chứng cứ: "Thời gian giao nộp tài liệu, chứng cứ do Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án ấn định nhưng không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục sơ thẩm quy định tại Điều 130 của Luật này"; bổ sung quy định: Trường hợp tài liệu, chứng cứ đã được giao nộp chưa bảo đảm đủ cơ sở để giải quyết vụ án thì Thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ. Trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập được tài liệu, chứng cứ và có yêu cầu hoặc xét thấy cần thiết, Tòa án có thể tự mình hoặc ủy thác tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để làm rõ các tình tiết của vụ án (Điều 83). Đối với trường hợp sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, đương sự mới giao nộp tài liệu, chứng cứ mà Tòa án đã yêu cầu giao nộp trước đó thì đương sự phải chứng minh lý do của việc chậm giao nộp tài liệu, chứng cứ. Đối với tài liệu, chứng cứ mà trước đó Tòa án không yêu cầu đương sự phải giao nộp hoặc tài liệu, chứng cứ mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm thì đương sự có quyền giao nộp, trình bày tại phiên tòa sơ thẩm (Điều 133). Ngoài việc sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể các biện pháp xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, Luật tố tụng hành chính năm 2015 còn bổ sung quy định về xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ trong giai đoạn giám đốc thẩm: "Trong giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm, Thẩm tra viên có thể tiến hành các biện pháp thu thập chứng cứ quy định tại điểm a và điểm g khoản 2 Điều này. Khi Thẩm tra viên tiến hành biện pháp quy định tại điểm g khoản 2 Điều này, Tòa án phải ra quyết định, trong đó nêu rõ lý do và yêu cầu của Tòa án" (khoản 4 Điều 84).
7. Về thẩm quyền của Tòa án các cấp: Theo quy định của Luật tố tụng hành chính năm 2011, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Tòa án cấp huyện) giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây: "Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó; " ( khoản 1 điều 29). Hiện nay, theo quy định của khoản 1 điều 31, Luật tố tụng hành chính mới, Tòa án cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây: "Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đó, trừ quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. "Và điều 32, Luật tố tụng hành chính quy định về thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh, quy định Tòa án cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây: "Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án" (khoản 4 điều 32). Như vậy, theo quy định mới Tòa án cấp huyện không có thẩm quyền giải quyết các quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân, của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện khi bị khiếu nại mà thẩm quyền này thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Quy định này được áp dụng kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.
Tuy nhiên để thuận lợi cho Tòa án, trong đó có Tòa án cấp huyện đã và đang thụ lý giải quyết các vụ án hành chính này, Quốc hội đã ban hành nghị quyết số 104/2015/QH13 Nghị quyết về việc thi hành Luật tố tụng hành chính, đã quy định kể từ ngày Luật tố tụng hành chính số 93/2015/QH13 có hiệu lực thi hành (01 tháng 7 năm 2016): "Đối với những khiếu kiện hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện đã được Tòa án nhân dân dân cấp huyện thụ lý giải quyết trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 thì Tòa án đã thụ lý tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung mà không chuyển hồ sơ cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết".
Về vấn đề ủy quyền tham gia tố tụng: Luật tố tụng hành chính mới tiếp tục duy trì chế định đại diện tham gia tố tụng trong các vụ án hành chính. Người đại diện trong tố tụng hành chính bao gồm người đại diện theo pháo luật và người đại diện theo ủy quyền.
Về người đại diện theo ủy quyền, Luật tố tụng hành chính mới đã khắc phục được quy định ủy quyền chung chung trong Luật tố tụng hành chính cũ. Lần này, tại khoản 3 điều 60 Luật tố tụng hành chính quy định rõ: Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng hành chính phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, được đương sự hoặc người đại diện theo pháp luật của đương sự ủy quyền bằng văn bản. Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện.
Như vậy, từ ngày 1 tháng 7 năm 2016 trở đi, trong các vụ án hành chính mà người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan tổ chức thì quá trình tham gia tố tụng phải là người đại diện theo pháp luật hoặc chính là người đứng đầu cơ quan tổ chức đó. Nếu chủ thể đó không tham gia mà ủy quyền thì chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện tham gia tố tụng.
8. Về thời hiệu khởi kiện: Để khắc phục tình trạng người dân khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại nhưng người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại không giải quyết và không thông báo cho người khiếu nại dẫn đến nhiều trường hợp khi họ khởi kiện ra Tòa án thì thời hiệu khởi kiện đã hết vì thời hiệu tính từ ngày họ nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, Luật tố tụng hành chính năm 2015 bổ sung quy định: "Trường hợp đương sự khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì thời hiệu khởi kiện được quy định như sau: a) 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai; b) 01 năm kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền không giải quyết và không có văn bản trả lời cho người khiếu nại".
9. Về án phí, lệ phí và chi phí tố tụng khác: Luật tố tụng hành chính năm 2015 bổ sung Chương XXII quy định về án phí, lệ phí và chi phí tố tụng khác. Đây là chương mới nhằm luật hoá quy định về án phí, lệ phí, chi phí tố tụng khác trong tố tụng hành chính. Ngoài ra, Luật tố tụng hành chính năm 2015 còn pháp điển hoá nhiều nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật tố tụng hành chính năm 2010; sửa đổi, bổ sung nhiều quy định của Luật tố tụng hành chính năm 2010 nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn giải quyết các khiếu kiện hành chính, bảo đảm hiệu quả, hiệu lực của việc giải quyết các khiếu kiện hành, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
tuyen-truyen-luat-to-tung-dan-su-bai-2_301120239.docx